Ở nhiều phương diện, Hoa Sen (HSG) và Hòa Phát (HPG) đều thể hiện thế độc tôn của riêng mình.
Các doanh nghiệp ngành thép hiện nay, nếu đưa Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long và Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ ra “so găng”, có lẽ nhiều người sẽ thầm nghĩ “châu chấu đá voi”, so làm gì. Cũng đúng, bởi nếu như so với những chỉ tiêu thông thường trên báo cáo tài chính, quy mô Hòa Phát lớn hơn Hoa Sen rất nhiều.
Tuy vậy, Hòa Phát – doanh nghiệp được biết đến với đa ngành nghề, đa lĩnh vực, thì việc quy mô doanh thu, lợi nhuận, tài sản lớn hơn Hoa Sen cũng không khó tưởng tượng. Nhưng nếu so găng trong ngành thép, liệu có phải “châu chấu đá voi” như lời đồn?
Tập đoàn Hoa Sen chiếm thế thượng phong ở thị trường tôn mạ
Tập đoàn Hoa Sen được biết đến là doanh nghiệp chuyên về sản xuất tấm lợp, tôn mạ kẽm, phủ sơn và mạ các loại hợp kim khác, cùng ống thép, xà gồ, vật liệu xây dựng bằng nhựa…
Ở mảng hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, tổng sản lượng sản xuất toàn ngành trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.992 tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ; còn sản lượng bán hàng đạt 2.740 tấn, giảm 6,8%.
Hiện Hoa Sen vẫn chiếm thế độc tôn với thị phần khoảng 27,3%, số liệu cập nhật trong 8 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, đây không phải là thế mạnh của Hòa Phát. Ông lớn ngành thép này chỉ chiếm khoảng 8% thị phần tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Thế lực lớn thứ 2 và thứ 3 ở mảng này, ngay sau Hoa Sen, phải kể đến Tôn Đông Á (GDA) và Thép Nam Kim (NKG).
Hòa Phát lại đứng đầu ở mảng ống thép
Thống kê cho thấy 8 tháng đầu năm 2023 tổng sản lượng sản xuất sản phẩm ống thép đạt 1.572 tấn, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn sản lượng bán hàng đạt 1,6 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ở mảng này Hòa Phát thể hiện sự vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành khi chiếm 27,48% thị phần. Hoa Sen đứng thứ 2 với thị phần thấp hơn nhiều so với Hòa Phát, đạt 11,45%. Về sản lượng bán ra, Hòa Phát đạt 439.779 tấn còn Hoa Sen đạt 183.285 tấn.
Thị trường thép thô, Hòa Phát đang có đối thủ nặng ký khác
Đối với thị trường thép thô, thép xây dựng Hoa Sen không chen chân cạnh tranh với Hòa Phát. Thực tế ở mảng này Hòa Phát cũng đang đối mặt với đối thủ nặng ký khác.
Mảng thép thô, Formosa là đối thủ nặng ký nhất của Hòa Phát với tổng sản lượng sản xuất 8 tháng đầu năm đạt 3.883.000 tấn còn Hòa Phát đạt 4.180.162 tấn. Những doanh nghiệp khác có sản lượng thấp hơn nhiều so với 2 đại gia này.
Ở mảng thép xây dựng Hòa Phát đang chiếm thế độc tôn trên toàn thị trường với tổng lượng sản xuất 8 tháng đầu năm đạt 2.319.830 tấn trong tổng số 6.846.486 tấn toàn ngành. Tổng sản lượng bán ra đạt 2.222.127 tấn, chiếm 32,8% thị phần mảng thép xây dựng.
Thép cán nóng, cán nguội
Ở mảng thép cán nóng, cán nguội, Hòa Phát và Hoa Sen mỗi doanh nghiệp chiếm ưu thế trong 1 mảng khác nhau. Hòa Phát chuyên về cán nóng với tổng sản lượng sản xuất 8 tháng đầu năm đạt 1.838.359 tấn còn tổng sản lượng bán ra đạt 1.748.830 tấn.
Hoa Sen thiên về cán nguội với tổng sản lượng sản xuất đạt 857.078 tấn.
Kết quả kinh doanh
Nếu tính riêng mảng sắt thép và tôn các loại, Hòa Phát và Hoa Sen ghi nhận thế mạnh ở mỗi sân chơi khác nhau. Tuy vậy do Hòa Phát là doanh nghiệp đa ngành nghề, bao gồm cả nông nghiệp, chăn nuôi và bất động sản nên quy mô về doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát vẫn tạo sự khác biệt. Với doanh thu Hòa Phát luôn đạt vị thế dẫn đầu và cao hơn nhiều so với Hoa Sen.
Lợi nhuận sau thuế, 9 tháng đầu năm tài chính 2022-2023 Hoa Sen ghi lỗ 410 tỷ đồng sau nhiều năm kinh doanh có lãi. Trong khi đó Hòa Phát cũng báo lãi nửa đầu năm 2023 giảm sút nghiêm trọng.
Xét về quy mô tài sản, Hòa Phát ghi nhận tổng tài sản đạt 176.243 tỷ đồng tính đến 30/6 vừa qua còn tổng tài sản Hoa Sen còn 16.526 tỷ đồng. Xét về quy mô tài sản, Hòa Phát đang vượt xa Hoa Sen.