Kết luận điều tra chỉ ra rằng, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã lừa đảo chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của hàng ngàn nhà đầu tư với chiêu thức vô cùng tinh vi.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2012- 4/2014, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà (sau đổi tên thành Công ty CP Xây dựng Faros) gần như không hoạt động, chỉ quản lý một sân tập golf ở Mỹ Đình, Hà Nội, với số vốn điều lệ của công ty là 1,5 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2014, Công ty CP Xây dựng Faros (Công ty Faros) bắt đầu nhận thầu thi công các dự án bất động sản do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, nguồn vốn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là từ nguồn tiền ứng trước của Công ty CP Tập đoàn FLC.
Mặc dù các cổ đông chỉ thực góp hơn 1.197 tỷ đồng, nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, từ tháng 4/2014- 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế cùng những người khác 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống hơn 3.102 tỷ đồng, làm tăng vốn điều kệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (thực góp chỉ là hơn 1.197 tỷ đồng).
Kết quả điều tra làm rõ, để hợp thức dòng tiền góp vốn, trong ngày 28/4/2014, bà Huế chỉ đạo ông Trịnh Văn Đại (anh họ ông Quyết, Phó TGĐ Công ty Faros), bà Hoàng Thị Thu Hà (em họ ông Quyết) và ông Nguyễn Văn Mạnh (chồng bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó TGD Công ty chứng khooán BOS) đứng tên ký khống sẵn 14 ủy nhiệm chi với nội dung chuyển tiền góp vốn vào tài khoản của Công ty Faros.
Bà Huế còn chỉ đạo ông Nguyễn Tiến Dũng (TGĐ Công ty Faros), bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang (kế toán Công ty CP Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF) và Nguyễn Minh Tú (kế toán Công ty CP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) ký khống sẵn các chứng từ là các giấy rút tiền mặt ra khỏi Công ty Faros.
Sau 8 vòng luân chuyển tiền qua các tài khoản, đến khi kết thúc, tài khoản của Công ty Faros phát sinh tăng hơn 223,5 tỷ đồng, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 225 tỷ đồng.
Toàn bộ 223,5 tỷ đồng được hạch toán rút từ tài khoản, nhập quỹ tiền mặt của Công ty Faros, nhưng thực tế không hề nhập quỹ mà được dùng quay vòng góp vốn, sau đó được hạch toán khống bằng việc chi tiền mặt theo các hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay khống.
Với chiêu thức tương tự, các bị can đã tiếp tục làm tăng vốn điều lệ từ 225 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (tương đương 430 triệu cổ phần).
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Công ty Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS (của Công ty Faros) tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.
Thậm chí khi phải giải trình về nhiều nội dung, trong đó có nội dung giải trình về các khoản ủy thác đầu tư, cho vay đối với bà Nguyễn Thị Hồng Dung và Lê Thị Thơm, dù bà Dung và Thơm là thợ may, lao động tự do, không hoạt động kinh doanh gì, nhưng phía Công ty Faros vẫn giải trình đây là “hai nhà đầu tư uy tín”.
Đến ngày 24/8/2016, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS, với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỷ đồng, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.
Từ tháng 9/2016- 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết giao cho bà Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.
Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bà Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được 4.818 tỷ đồng.
Theo CQĐT, trong số 30.403 nhà đầu tư mua cố phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, có 26.379 nhà đầu tư đã bán hết hơn 208 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư khác; còn 4.024 nhà đầu tư đang sở hữu hơn 82 triệu cổ phiếu.