Điều này làm dấy lên suy đoán rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực vực dậy thị trường chứng khoán vốn đang giảm điểm mạnh.
Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Central Huijin thuộc sở hữu nhà nước đã mua số cổ phiếu trị giá khoảng 65 triệu USD của “tứ trụ” ngân hàng lớn nhất Trung Quốc bao gồm Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.
Công ty này là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) có quy mô 1,4 nghìn tỷ USD. Huijin cho biết có kế hoạch tăng thêm lượng nắm giữ cổ phiếu trong 6 tháng tới.
Ngày càng nhiều nhà kinh tế và quỹ phòng hộ Trung Quốc đang kêu gọi chính phủ can thiệp trực tiếp bằng quỹ bình ổn chứng khoán – biện pháp vẫn luôn né tránh và sử dụng lần gần nhất là khi thị trường sụp đổ năm 2015.
Theo tờ Bloomberg, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm hơn 5% trong năm nay. Các biện pháp trước đây nhằm hỗ trợ tăng trưởng thị trường bất động sản hầu như không giúp cải thiện tâm lý thị trường khi các quỹ nước ngoài tiếp tục bán ra.
Redmond Wong, chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets ở Hồng Kông, cho biết: “Các khoản đầu tư khiêm tốn nhưng mang tính biểu tượng của Central Huijin có thể nhằm mục đích hỗ trợ giá cổ phiếu, điều này đã dẫn đến phản ứng tích cực của thị trường”. “Động thái này, gợi nhớ đến hành động của họ trong thời kỳ thị trường chứng khoán Trung Quốc hỗn loạn năm 2015, thể hiện mong muốn của chính phủ trong việc duy trì sự ổn định thị trường.”
Ba tờ báo chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc đều cho rằng động thái này là một biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.
Shanghai Securities News cho biết: “Việc Huijin tăng lượng nắm giữ phát đi một tín hiệu tích cực và là một biện pháp quan trọng để kích hoạt thị trường vốn” . “Điều này có lợi cho việc thúc đẩy niềm tin của thị trường”.
Trước đó, quỹ Huijin lần đầu tiên can thiệp vào thị trường thứ cấp vào năm 2008 bằng cách mua cổ phiếu của ba tổ chức cho vay lớn nhất quốc gia, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, quỹ thực hiện các giao dịch mua tương tự trong những năm tiếp theo cho đến năm 2015. Cổ phiếu Trung Quốc hầu hết tăng giá sau các động thái này.
Theo trang web của Central Huijin, quỹ nắm giữ cổ phần tại 19 tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng và công ty môi giới.
Động thái của Huijin diễn ra trong bối cảnh các quỹ nước ngoài đang rút khỏi thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Trong số các biện pháp nhằm xoa dịu sự lo lắng của nhà đầu tư, chính quyền Trung Quốc đã cắt giảm phí xử lý giao dịch chứng khoán, thuế chuyển nhượng, xem xét nới lỏng các quy định giới hạn quyền sở hữu nước ngoài đối với các công ty đại chúng trong nước.
Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết vào tháng 9 rằng họ sẽ làm chậm tốc độ IPO, hạn chế việc bán cổ phần của các bên liên quan hàng đầu tại các công ty có giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức IPO hoặc mức tài sản ròng.
Quốc gia tỷ dân ở châu Á hút vốn mạnh top đầu thế giới