Bản đồ ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu có một điểm đặc biệt, đó là sự khác nhau điển hình giữa các khu vực. Nhật Bản nổi tiếng với dòng xe nhỏ, hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu. Mỹ khiến người ta nhớ đến những mẫu bán tải, SUV cỡ lớn, xe thể thao thiên về tăng tốc trên đường thẳng. Còn với người châu Âu, tính truyền thống luôn được đề cao, bên cạnh hiệu suất cao và khả năng xử lý tuyệt vời.
Xe Nhật nhỏ, hiệu quả và tiết kiệm
Toyota Corona
Datsun 610
Honda Civic
Sau Thế chiến II, Nhật Bản bước vào thời kỳ khó khăn về kinh tế và khan hiếm dầu mỏ. Đối diện thách thức, người Nhật bắt đầu tìm cách tạo ra những mẫu xe nhỏ, giá rẻ, tiêu tốn ít nhiên liệu nhất có thể nhằm phục vụ thị trường nội địa. Hầu hết người Mỹ đều cười vào ý tưởng đó.
Nhưng cục diện thay đổi khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ và suy thoái kinh tế xảy ra vào thập niên 70. Toyota, Honda và Nissan lần lượt bước vào thị trường Mỹ và nhanh chóng nổi lên nhờ đáp ứng đúng thị hiếu, đánh đúng vào điểm yếu tốn kém nhiên liệu và giá thành đắt đỏ của xe Mỹ hay châu Âu.
Lexus LS 400
Infiniti J30
Acura Legend
Thập niên 80-90 là thời khắc ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản bước sang trang mới. Bộ ba Toyota, Nissan và Honda đều tạo nên thương hiệu hạng sang của riêng mình. Họ sản xuất xe hơi cho mọi phân đoạn thị trường. Ở một số phân khúc, xe Nhật thường không nhỏ hơn, không nhẹ hơn và không tiết kiệm hơn là bao.
Ví dụ, BMW 328d bản máy dầu có mức tiêu thụ trung bình 8,7 lít/100 km, tương đương Scion iQ 2014 và Mitsubishi Mirage CVT, theo Topspeed. Rõ ràng, mẫu serie 3 vẫn là một trong những chiếc xe tốt nhất thế giới. Nhưng từ ngày đầu, người Nhật đã gây dựng hình ảnh về sự hiệu quả và tiết kiệm, nên điều đó vẫn nằm trong tâm thức của khách hàng.
Độ tin cậy và giá trị bán lại cũng là thế mạnh của xe Nhật. Nhắc đến xe châu Âu sẽ nhớ đến sự an toàn, nhưng về độ tin cậy thì xe Nhật thường xuyên đứng đầu. Theo báo cáo năm 2010 của chuyên trang đánh giá Consumer Reports, xe Nhật chiếm 7/10 mẫu xe đáng tin cậy nhất năm.
“Tuy nhiên, không phải xe Nhật nào cũng đáng tin cậy”, trang Carsdirect viết. “Ví dụ như Nissan Cube hay Lexus GS có chỉ số tin cậy thấp hơn mức trung bình”.
Động cơ xe châu Âu thường có tuổi thọ ít nhất 320.000 km. Trong khi xe châu Á cũng tương tự, thậm chí ít nhất cũng tới 480.000 km. Nhưng điều khiến xe Nhật hơn xe châu Âu là vấn đề bảo dưỡng. Muốn đi đủ 320.000 km, người sử dụng xe châu Âu phải bảo dưỡng thường xuyên với chi phí đắt đỏ. Xe Nhật ngược lại: bảo dưỡng ít, đơn giản, chỉ cần nhớ thay dầu định kỳ, hiếm khi hư hỏng nghiêm trọng nếu bảo dưỡng theo đúng khuyến nghị của nhà sản xuất.
Bởi vậy, với xe cũ cùng đời, xe Nhật luôn có giá bán lại cao hơn. Một nghiên cứu của JD Power & Associates năm 2002 đã chỉ ra rằng, xe Nhật Bản có giá trị lâu dài cao nhất.
Xe châu Âu đắt đỏ, tốn kém, nhưng ‘đáng đồng tiền bát gạo’
Người châu Âu thích nói rằng, bạn sẽ nhận được thứ xứng đáng với những gì bạn bỏ ra. Đó là lý do tại sao xe châu Âu luôn đắt. Đức được biết đến là một đất nước với kỹ thuật cơ khí tuyệt vời. Ví dụ trường hợp giữa 2 đối thủ là Mercedes SLR McLaren và Dodge Viper, cùng sản xuất dưới thời Daimler-Chrysler.
Hai mẫu xe hiệu suất cao tương đương về kích thước và hiệu suất cũng tương đồng. Nhưng Viper sản xuất ở Mỹ và bán ra với giá 80.000 USD, trong khi SLR McLaren xuất xưởng ở châu Âu và giá bán gấp 5 lần.
Nếu theo cách người châu Âu nói, rằng bạn sẽ nhận được thứ xứng đáng với những gì bạn bỏ ra, thì chất lượng SLR phải gấp 5 lần so với Viper. Nhưng không. Trong lịch sử phát triển, Dodge Viper hiếm khi phải triệu hồi. Năm 2016, họ gọi về sửa chữa 2 chiếc Viper sản xuất từ ngày 6-8/1/2016. Còn Mercedes SLR McLaren ngược lại. Giữa năm 2006, hãng Đức phải triệu hồi 433 chiếc xe thuộc đời 2005-2006 tại Mỹ do lỗi động cơ có thể gây cháy. Đầu năm 2008, “mũi tên bạc” đời 2007 lại dính lỗi kính chắn gió lắp đặt không chính xác.
Không dừng ở Mercedes, nhiều mẫu xe hiệu suất cao đến từ những thương hiệu đình đám ở châu Âu cũng gặp lỗi có thể gây cháy. Có thể kể đến Lamborghini hay Ferrari.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự cao cấp của xe châu Âu. Họ kiến tạo ra những cấp độ mới của sự xa xỉ, với Rolls-Royce, Bentley hay Maybach (giờ là Mercedes-Maybach). Đặc biệt là giá trị tăng theo năm tháng. Nhiều mẫu xe hàng hiếm của châu Âu từ thế kỷ trước được đấu giá thành công với mức giá cao ngất ngưởng. Như Ferrari 250 GTO bán 38 triệu USD qua một cuộc đấu giá năm 2014. Giới siêu giàu coi những chiếc xe này là món hàng đầu tư, không phải xe hơi thông thường.
Tính truyền thống của người châu Âu luôn được đề cao. Trong sản xuất xe hơi, yếu tố đó càng rõ ràng. Đối với Lamborghini, Aventador mang chút dáng dấp của “người tiền nhiệm” Murcielago. Murcielago lại thừa hưởng nhiều đường nét từ Diablo, mà kiểu dáng xuất phát từ Countach. Ngoài ra, còn nhiều ví dụ khác, như Ferrari, BMW, Audi, Aston Martin, Rolls-Royce,…
Ở khía cạnh công nghệ, Mỹ là quốc gia có nhiều công ty nổi tiếng lĩnh vực này. Google và Tesla đang dẫn đầu về xe tự lái, loại phương tiện đòi hỏi nhiều công nghệ phức tạp. Ở châu Âu, nhiều hãng đang bắt kịp xu hướng, ví dụ Mercedes nhờ hợp tác với các hãng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, nếu xét về phương tiện truyền thống, xe châu Âu đang bỏ xa Ford hay GM về công nghệ nói chung.
Ngoài ra, tốc độ cũng là yếu tố làm nhớ đến xe châu Âu. Danh sách 10 mẫu xe nhanh nhất hành tinh gần hết là xe châu Âu, còn lại lẻ tẻ vài mẫu xe Mỹ. Bugatti Chiron đang dẫn đầu thế giới về kỷ lục tốc độ xe thương mại (không tính Hennessy Venom GT vì đây là mẫu xe được độ lại).
Cảm giác lái là thứ khó phân định hơn thua giữa xe châu Âu và Mỹ, vì còn phụ thuộc vào cá tính của thị trường. Xe châu Âu có sự đầm chắc, cảm giác lái kiểu thể thao nhưng giữ lại chút an toàn. Còn xe Mỹ lại “điên cuồng”, thiếu kiểm soát và thiên về tăng tốc trên đường thẳng.
Một chuyên gia của tờ TheZebra nhận định: “Các hãng Đức nổi tiếng với xe hiệu năng cao, làm nên những chiếc xe nhanh và ổn định, có thể vượt qua mọi góc cua với tốc độ cao mà không gặp bất kỳ rắc rối. Xe của họ hơn xe Mỹ ở khả năng xử lý và cảm giác lái”.
Xe Mỹ cơ bắp, dung tích động cơ lớn
Chẳng khó định hình điểm mạnh của xe Mỹ. Hình ảnh về chiếc SUV hoặc bán tải to lớn là đặc trưng. Có thể người Nhật đang sản xuất những chiếc xe tương đương để cạnh tranh, nhưng vượt qua về phong cách cơ bắp, đồ sộ của xe Mỹ là điều không thể. Thiết kế xe Mỹ mang đến một cảm giác sinh ra để dành cho đàn ông.
Động cơ lớn cũng là một điểm đặc trưng. 10 chiếc xe có dung tích động cơ lớn nhất thế giới hiện tại, thì 6 là xe Mỹ. Số một là Dodge Viper với dung tích lên tới 8,7 lít, vị trí số 2 của Chevrolet Camaro Z/28 trang bị động cơ 7 lít. Như nói ở trên, lái xe Mỹ cho cảm giác bất kham rất đặc trưng.
Trong một bài thử xe của MotorTrend năm 2015, Chevrolet Camaro Z/28 2014 giành chiến thắng trước Porsche 911 Turbo S 2014 và Nissan GT-R 2015 về tốc độ hoàn thành đường đua Streets of Willow. Và quan trọng nhất, Camaro Z/28 không phải mẫu xe mạnh nhất, chỉ dùng dẫn động cầu sau, còn 2 đối thủ dẫn động 2 cầu. Giá bán của chiếc xe Mỹ là 75.000 USD, thấp hơn con số 117.000 USD của Nissan GT-R và 185.000 USD của Porsche 911 Turbo S.
Xe châu Âu mạnh, nhưng không hề rẻ. Dodge Challenger SRT Hellcat 2015 có công suất 707 mã lực, giá bán chưa đến 60.000 USD tại Mỹ. Có nghĩa là hơn mã lực của rất nhiều xe châu Âu đình đám như Lamborghini Aventador, Bentley Continental SuperSports nhưng giá bán thấp hơn rất nhiều lần.
“Sự khác biệt không chỉ ra xe ở khu vực nào vượt trội hơn, mà cho thấy loại nào phù hợp với tiêu chí của mỗi khách hàng”, theo nhận xét của Mike Rabkin, chủ nhân trang mua bán ôtô Fromcartofinish. “Tuy nhiên gần đây, ngành công nghiệp xe hơi đang giảm dần sự khác biệt khi các nhà sản xuất tìm đến sự hoàn hảo về mọi mặt, từ chất lượng, phong cách, hiệu suất, giá bán và tính hiệu quả”.
Thế Anh