Thứ bảy, Tháng mười 5, 2024
4elinhdong.org
HomeTài chính ngân hàngChính phủ nhất trí dừng mua ngân hàng giá 0 đồng

Chính phủ nhất trí dừng mua ngân hàng giá 0 đồng

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nội dung nêu trên được lãnh đạo cơ quan điều hành nhất trí sau phiên thảo luận đầu tuần này về dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Trong dự thảo đang lấy ý kiến hoàn thiện có nêu quy định về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, với các phương án xử lý gồm: phục hồi, xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản) và phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Và một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp này là liên quan đến biện pháp mua bắt buộc.

chinh-phu-nhat-tri-dung-mua-ngan-hang-gia-0-dong

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Lê Minh Hưng trình bày dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu tại phiên họp của Chính phủ ngày 11/4. Ảnh: VGP

Theo Ngân hàng Nhà nước, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc Ngân hàng Nhà nước. Đây là biện pháp áp dụng cho tổ chức tín dụng có thực trạng yếu kém nhất, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên quy định về biện pháp này vì có thể vi phạm quyền lợi cổ đông và quyền công dân.

Giải trình vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, về nguyên tắc, biện pháp chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng để xử lý khi ngân hàng thương mại yếu kém không thể thực hiện được phương án phục hồi, cũng không thể thực hiện được phương án giải thể (do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ) và không thể thực hiện được phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.

Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước là cần có quy định về biện pháp này. Như vậy, cùng với các biện pháp xử lý khác đã nêu trong dự án luật, các ý kiến thống nhất từ nay trở đi, sẽ không đặt ra vấn đề Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Dự thảo cũng nêu, đối với các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sẽ được xử lý theo các phương án mà dự án luật quy định.

Một vấn đề khác cũng còn ý kiến khác nhau là quy định về miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Có ý kiến cho rằng quy định như vậy có thể dẫn tới lạm quyền và thiếu trách nhiệm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và trên thực tế đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các cán bộ xử lý trực tiếp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý. Do đó cần quy định về miễn trừ trách nhiệm. Hơn nữa, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao quy định này vì đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, để quyền này không bị lạm dụng, dự thảo quy định chặt chẽ theo hướng, người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng không chịu trách nhiệm về “kết quả” của việc thực hiện phương án cơ cấu lại, nếu việc thực hiện phương án không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan. Còn trường hợp vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định hiện hành.

Các ý kiến thảo luận thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại dự thảo Luật.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này là rất cần thiết, rất cấp bách, nếu chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều hành kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đồng ý với phương án xây dựng 2 văn bản để trình Quốc hội, gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo một luật sửa nhiều luật (Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan). Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, khẩn trương hoàn thiện hai văn bản này để Chính phủ trình Quốc hội cùng thời điểm.

* Diện mạo ngân hàng thương mại sau 5 năm tái cơ cấu

Hiện nay Việt Nam có ba ngân hàng bị mua lại giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng – VNCB, Ngân hàng Đại Dương – Ocean Bank; Ngân hàng Dầu khí toàn cầu – GP Bank.

Trong đó, Ngân hàng Xây dựng là nhà băng đầu tiên bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2, vào ngày 25/4/2015. Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) là nhà băng thứ 3, mua lại ngày 7/7/2015.

Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm

Tin nổi bật

Phản hồi gần đây