Người dân vẫn cổ thủ tiền trong ngân hàng dù mức lãi suất thấp.
Lãi suất ngân hàng xuống mức rất thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản đóng băng, giá vàng cao chót vót… Đó có thể là lí do khiến nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào ngân hàng.
Theo thống kê trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, vào cuối quý 3/2023, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty này đạt tới khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng so với cuối quý 2/2023. Điều này cho thấy tiền của nhà đầu tư vẫn chờ cơ hội, chưa giải ngân trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro điều chỉnh.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã đạt trên 12,446 triệu tỷ đồng, vẫn tiếp tục tăng thêm 147.500 tỷ đồng so với tháng liền trước. Trong số này, tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục duy trì đà tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 6,433 triệu tỷ đồng, tăng 44.000 tỷ đồng so với tháng 7. Tính từ đầu năm tiền gửi dân cư tăng mạnh mẽ với mức tăng lên đến 9,68%, tương đương tăng 567.000 tỷ đồng.
Đối với khu vực doanh nghiệp, sau khi suy giảm trong tháng 7, các doanh nghiệp đã tăng gửi tiền trở lại trong tháng 8. Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức đạt 6,013 triệu tỷ đồng, tăng tới 103.500 tỷ đồng so với tháng trước. Việc tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn miệt mài tăng trong bối cảnh lãi suất huy động xuống rất thấp cho thấy thực tế khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như các kênh đầu tư.
Hiện nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm gần 50% thị phần tiền gửi đang niêm yết mức lãi suất ở mức thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank vừa giảm thêm 0,2% lãi suất, chỉ còn tối đa 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn các ngân hàng có vốn Nhà nước khác là Agribank (Mã: AGR), VietinBank (Mã: CTG), BIDV vẫn giữ mức lãi suất tối đa 5,3%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại các Ngân hàng Thương mại cổ phần, mức lãi suất 7%/năm gần như rất hiếm và thường chỉ dành cho các khoản tiền gửi lớn, khách hàng VIP.