“Năm 2017, dưới góc độ của người làm nghiên cứu, tôi cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có cực kỳ nhiều cơ hội”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận định tại Tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?” do Bizlive tổ chức ngày 10/12.
Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc làm ăn, đầu tư cho năm 2017.
Đăng ký theo dõi bản tin mới nhất tại đây https://goo.gl/Q3jgDv
Đăng ký theo dõi bản tin mới nhất tại đây https://goo.gl/Q3jgDv
Theo TS. Lê Đăng Doanh, năm 2017 trước tiên phải thúc đẩy cổ phần hoá. Thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến những hoạt động sôi nổi trong năm tới. Ông cũng cho rằng với những khó khăn từ năm 2016 sẽ giúp cho Chính phủ có những bước tiến mới.
“Cổ phần hóa có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch và sức ép lớn phải niêm yết sẽ tạo cơ hội lớn cho thị trường chứng khoán”, ông Doanh cho biết.
Ông cũng cho rằng trong năm 2017, cơ hội cho các ngành dịch vụ là rất lớn. Bởi lẽ, với sự già hóa dân số ngày một tăng sẽ kéo theo nhu cầu về các ngành dịch vụ, chăm sóc đặc biệt tăng theo.
“Tôi thấy mảng đó trên thị trường rất yếu. Tôi có một người bạn có một bà mẹ bị ốm trong thời điểm cuối năm, giá cho một người chăm sóc như vậy là 1 triệu/ngày”, ông Doanh lấy ví dụ cụ thể.
Ngoài ra, ông cũng đánh giá năm 2017 sẽ là một năm kinh tế thuận lợi. Tuy nhiên, Việt nam vẫn cần phải thật tỉnh táo bởi lẽ môi trường quốc tế quanh Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ.
Ông Doanh cho rằng nếu có sự thay đổi lãi suất, USD sẽ quay lại nước Mỹ. Ngoài ra đồng Nhân dân tệ đang mất giá và hàng hóa Trung Quốc đang rẻ và đây là điều bất lợi với Việt Nam.
Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Kiên, năm 2017 sẽ là năm chứa đựng nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông lý giải, với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì các ngành này sẽ có nhiều “đất” hơn, được tham gia vào nhiều ngành, lĩnh vực vốn là đặc thù của nhà nước.
“Phải đấu tranh thoái vốn Nhà nước thì để Nhà nước tối đa còn nắm 30%. Phải đối chiếu lại Luật Doanh nghiệp 2014 vì 30% có quyền phủ quyết 1 số yêu cầu của doanh nghiệp, Nhà nước vừa không mất quyền, vừa trao lại quyền cho doanh nghiệp”, ông nói.
Mặt khác, ông Kiên cho rằng các nhà đầu tư có thể tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến bởi lẽ nó đang trong trạng thái gần như chưa ai khai phá và các ngành nghề như du lịch, khách sạn, lữ hành – nhiều tiềm năng và không sợ bị cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 tác động nhiều.
Tuy nhiên, đối với việc đầu tư bất động sản, TS. Nguyễn Đức Kiên lại chia sẻ rất thật là “đối với ai đang có tiền nếu họ tham gia vào bất động sản thì họ chỉ là những người đi sau để dọn dẹp cái đổ vỡ của thị trường, hoặc là người ta đã ăn xong rồi, người ta đứng lên, bữa tiệc đã tàn rồi thì mình mới vào…”.
Ngược lại với quan điểm của TS. Nguyễn Đức Kiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đầu tư vào bất động sản là một kênh nên “rót tiền” vào trong năm 2017. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nhà đầu tư nên đề phòng những bất ổn có thể xảy đến do tình hình kinh tế thế giới biến động. Đối với 4 kênh đầu tư còn lại, ông Hiếu cũng đưa ra những lời khuyên cụ thể.
Ông cho rằng thị trường vàng trong năm tới sẽ biến động rất mạnh, giá vàng thế giới có thể giảm, kéo theo giá vàng trong nước. Như vậy, nhà đầu tư nếu vào vàng sẽ rất nguy hiểm.
Tương tự, đầu tư vào ngoại tệ cũng sẽ có nhiều biến động trong năm tới. “Tôi tin rằng trong năm tới tỷ giá tiền đồng sẽ tăng thêm, tăng thêm bao nhiêu và như thế nào thì chưa thể biết được, nhưng đầu tư vào ngoại tệ sẽ rất rủi ro”, ông nói.
Đối với đầu tư chứng khoán, ông Hiếu cho rằng đây là một kênh tốt trong năm 2017. Tuy nhiên, ông khuyến nghị nhà đầu tư phải cẩn trọng, vì trong những tháng vừa qua, vốn ngoại đã rút khỏi thị trường khá nhiều, ước tính 400 triệu USD, “liệu nó có là xu thế trong năm 2017 hay không?”, ông đặt ra câu hỏi. Do đó, ông cho rằng đầu tư vào thị trường này cần những nhà đầu tư chuyên nghiệp và cẩn thận.
Cuối cùng, đối với các nhà đầu tư có ít vốn, lại muốn “ăn chắc”, ông Hiếu hài hước khuyên có thể chọn đầu tư vào ngân hàng bởi lẽ “lãi suất sẽ tăng”.