Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cho Việt Nam vay 5 – 7 tỉ USD đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Sáng ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với đoàn của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Cuộc họp nhằm tìm kiếm các giải pháp hợp tác về cải thiện cơ sở hạ tầng chung cho Việt Nam cũng như hỗ trợ của WB về tài chính giúp các dự án của Bộ GTVT.
WB sẽ cho Việt Nam vay 5-7 tỷ USD
Trước đó, tại cuộc họp ngày 7/9 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch WB Ajay Banga, Thủ tướng đã đề nghị WB trong 3 năm tới cho Việt Nam vay 5 – 7 tỉ USD đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là cho đường sắt, đường cao tốc, đường quốc lộ và hạ tầng giao thông đô thị lớn.
Phát biểu với lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết, WB mong muốn Bộ GTVT đề xuất cụ thể đầu tư cho dự án nào, kế hoạch có thể triển khai ra sao, để có thể thực hiện được trong khung thời gian mà Thủ tướng đã nêu.
Đại diện Ngân hàng Thế giới dẫn chứng dự án phát triển các hành lanh đường thủy và logistics phía Nam, hiện vẫn chưa xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Trong khi dự án đã được triển khai 6 năm mà hai bên còn chưa đàm phán xong, tiến hành ký được hiệp định vay.
Do đó, đại diện Ngân hàng Thế giới băn khoăn phải làm sao để các dự án hợp tác giữa WB và Việt Nam trong thời gian tới được “hoàn thành đúng tiến độ”.
Bộ trưởng GTVT đề nghị WB giúp Việt Nam làm các dự án quan trọng
Trả lời về vấn đề tiến độ chậm mà đại diện WB trăn trở, bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, với dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam, do có luồng tuyến đi qua đất rừng nên vướng mắc về thủ tục, dẫn đến chậm trễ.
Bộ GTVT đã chỉ đạo điều chỉnh luồng tuyến, đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ, đẩy tiến độ. Dự kiến, trong tháng 10 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để đến tháng 12 có thể ký hiệp định vay.
Ông cũng đề nghị WB nghiên cứu dành vốn vay cho một số dự án quan trọng. Cụ thể, lĩnh vực đường sắt có dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài 140 km, đường đôi/đơn, khổ 1.435 mm, tổng mức đầu tư phân kỳ đường đơn khoảng 3,2 tỉ USD.
Hiện, tư vấn trong nước đã hoàn thành báo cáo giữa kỳ; 6 tháng đầu năm 2024 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) và sau đó WB có thể tiếp cận hồ sơ nghiên cứu.
Lĩnh vực đường bộ, có 2 dự án đường cao tốc là tuyến Pleiku – Quy Nhơn và Cam Lộ – Lao Bảo. Tuyến Pleiku – Quy Nhơn dài 151 km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 35.800 tỉ đồng cho 4 làn xe 17 m, khoảng 44.000 tỉ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh.
Trong khi đó, tuyến Cam Lộ – Lao Bảo dài 70 km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỉ đồng cho 4 làn xe 17 m, khoảng 14.500 tỉ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh. Hai dự án này đang được tư vấn trong nước hoàn thành báo cáo giữa kỳ, dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo tiền khả thi vào giữa năm 2024.
Bộ trưởng Thắng cũng đề nghị WB hỗ trợ các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và các dự án, sáng kiến liên quan tới giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT và thực hiện những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trong đó, về đường sắt, nghiên cứu xây dựng các bộ tiêu chuẩn liên quan đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp vận chuyển container bằng đường sắt tại các cảng biển, kho bãi…
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, WB sẵn sàng nghiên cứu, hỗ trợ các dự án hạ tầng. Đồng thời, sẽ tìm các nguồn hỗ trợ khác ngoài vốn vay để hỗ trợ Bộ GTVT trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa, số hóa, nâng cao chất lượng nhân lực trong quản lý, vận hành hiệu quả các dự án hạ tầng sau đầu tư.